Mình làm business cũng mới đây thôi. Công ty mình tuy trong lãnh vực truyền thống, nhưng có thể được coi là một startup, vì thế hầu như việc gì mình cũng phải làm, bận rộn cả ngày. Cơ mà, mình vẫn tập cho mình thói quen thỉnh thoảng dừng lại vài bước, chậm rãi quan sát và suy nghĩ về mọi thứ xảy ra chung quanh. Cả đời sống cá nhân lẫn công việc. Mình thích cái cảm giác khi thì như người đứng ở trên bờ hờ hững quan sát mọi thứ, khi thì thả mình chìm vào cái dòng chảy tấp nập, không ngừng ấy. Như COVID-19. Mình gọi đó là dòng chảy cuồng mạnh, dịch chuyển và thay đổi rất nhiều thứ. Ở post này, là cảm nhận cá nhân của mình về business người Việt tại Mỹ trong giai đoạn này.

Người Việt mình có cách làm và tư duy business khá cũ kĩ, ngại thay đổi. Hoặc có thể nói, rất nhiều nước châu Á đều vậy. Có những ngành nghề business đóng khuôn với một nước, ví dụ: cây xăng Ấn Độ làm, tiệm giặt ủi là Hàn Quốc, người Việt mở tiệm nail…. Vì thế, mình thấy có rất rất nhiều người, và nhiều ngành nghề, vẫn giữ quan điểm, và cách làm đã có từ xa xưa.

COVID-19 thay đổi tất cả.

Các nhà hàng Việt Nam quen dần hơn với việc sử dụng, kết nối các hệ thống food delivery (Uber Food, Grubhub…) để tiện cho khách hàng. Ngày xưa thì thôi khỏi, ai thích tới mà ăn, thậm chí còn không-thèm lấy thẻ, cash only. Đây có lẽ là một bước tiến mới. Ngoài ra, lớn hơn cả, đó là bước chuyển dịch trong các ngành nghề mà người Việt làm.

Điển hình như cargo. Trước đây, không nhiều người Việt làm cargo. Công sức bỏ ra mệt hơn nhiều so với làm các business khác, lại đủ mọi thứ rủi ro. Cũng cùng thời gian và nỗ lực đó, mở tiệm nail, hay nhà hàng, nhàn hơn, thu nhập cao hơn, mà ổn định hơn. Đó là lí do mình thấy làm lạ khi trong vòng vài tháng gần đây, trung bình là tuần nào mình cũng nhận được yêu cầu tư vấn để mở tiệm cargo, từ khắp nơi trên nước Mỹ.

Tháng 7 là Chicago, San Antonio (TX)…

Tháng 8 có Florida, Atlanta, New York…

Tháng 9 có Alabama, Missouri, Michigan, Arlington (TX)…

Mình nghĩ mãi mà vẫn không hiểu lí do sao mà tự nhiên nhiều người muốn nhảy vào ngành cargo này thế. Nói chứ, trò chuyện với các anh chị, cô chú, thì thấy do dịch COVID-19, các business truyền thống họ làm bị ảnh hưởng: nhà hàng giảm khách, tiệm nail chật vật… họ mới có ý định làm kết hợp với cargo, tiết kiệm mặt bằng và có đồng ra đồng vào. Mình có nói họ, làm cargo tưởng khó mà không khó lắm, tưởng cực nhưng biết cách sẽ nhàn, nhưng khó nhằn đấy. Có những người khi nghe bên mình tư vấn nghĩ lại, và bỏ ý định, vì nhắm không kham được. Nhưng cũng có nhiều nơi, vẫn quyết định làm.

Có lần mình hỏi một anh ở Atlanta: “khi COVID-19 kết thúc, số phận của tiệm cargo thế này sẽ ra sao? Anh sẽ bỏ nó đi để quay lại tiệm nail, hay thế nào?”. Anh mỉm cười, lắc đầu, trả lời rằng: “Anh không biết, tới lúc đó sẽ hay…”. Anh hi vọng rằng sau sẽ tiếp tục làm cả 2 business, cái nào cũng kiếm ra tiền. Còn câu trả lời thế nào, liệu dịch này có khắc thêm cái quan điểm “người-Việt-làm-cargo” không, thì chắc như ngày xưa tạp chí chương hồi hay nói: “để hạ hồi phân giải…”

Bức hình nhận dịp đi D.C khảo sát thị trường